[ Review ] CÁC TÍNH NĂNG CỦA MÁY ẢNH FUJIFILM X-E1

Ở bài trước tôi đã trên tay nhanh về ngoại hình và thiết kế của Fujifilm X-E1 , trong bài này tôi sẽ đi sâu vào các tính năng trong máy . 
Có một điều đáng khen là X-E1 có sẵn tiếng việt trong menu cài đặt nên các bạn có thể sử dụng rất dễ dàng ( Có cả cho máy chính hãng và xách tay ) . Trước tiên hãy nói về kính ngắm điện tử EVF của máy , máy được trang bị kính ngắm EVF độ phân giải 2,36 triệu điểm ảnh , kính ngắm này hiển thị được tất cả các thông số như trên màn hình LCD , màu sắc tươi , trung thực , và độ trễ gần như không có . Lợi thế của kính ngắm EVF so với OVF truyền thống là nó có thể xem lại hình ảnh trong môi trường ánh sáng mạnh , cài đặt được các thông số chụp thông qua kính ngắm mà không cần đến màn hình LCD , tuy nhiên nó lại làm thiết bị hao pin hơn. Bạn có thể tùy chọn chỉ ngắm qua EVF , chỉ sử dụng màn hình LCD hoặc sử dụng cảm biến mắt bằng cách nhấn nút VIEWMODE.


Máy có cách bố trí các nút bấm khá trực quan và dễ sử dụng. Nút Q ( Quick ) ở góc bên phải cho phép điều chỉnh nhanh các thông số về iso , chế độ lấy nét , giả lập màu film , chất lượng ảnh , WB ...
Cá nhân tôi đánh giá rất cao về nút Q của Fujifilm , nó thật sự rất tiện lợi và giúp thao tác nhanh chóng cho người chụp ảnh mà không cần vào menu chính sau đó qua vài thao tác bấm mới đến được thông số cần hiệu chỉnh.


Máy hỗ trợ Iso ở mức cao nhất là 25600 , nhưng theo đánh giá thực tế , bạn chỉ nên dùng Iso ở mức cao nhất là 6400 trở lại , vì không có ai dùng tới mức 12800 hay 25600 để chụp một bức ảnh thiếu sáng . Lúc này chi tiết ở các vùng tối sẽ bị bệt lại , còn các chi tiết ở vùng sáng thì bị cháy. Một bức ảnh như vậy thì không có nhiều ý nghĩa cho lắm nếu không muốn bị nói là xấu .


Máy hỗ trợ quay film FullHD ở 24 FPS/s , tất nhiên về khoản quay video thì không phải điểm mạnh của Fujifilm. Nếu bạn đang tìm một chiếc máy ảnh để vừa chụp ảnh vừa quay film thì có lẽ X-E1 sẽ không phải lựa chọn của bạn . Các tính năng hiệu chỉnh cho chế độ quay film của X-E1 quá nghèo nàn nếu không muốn nói là chẳng có gì để cho bạn vọc vạch hết. Ở chế độ quay video , bạn nên đưa máy về chế độ lấy nét bằng tay MF vì ống kính tự động đôi khi sẽ lấy nét không theo ý muốn của bạn


Máy có riêng chế độ Macro dùng để chụp cận cảnh , khi kết hợp chế độ này với lens 60mmF2.4 của Fujifilm ( lens chuyên chụp cận cảnh ) , bạn sẽ rất ngạc nhiên về kết quả đạt được. Còn nếu sử dụng với những lens khác máy sẽ cho phép lấy nét gần chủ thể hơn một chút . Thiết nghĩ chế độ này không cần thiết cho lắm và có lẽ Fujifilm sẽ sớm loại bỏ nó trên các thế hệ máy tiếp theo của mình.


Điểm đặc biệt trong các dòng máy ảnh X Series mới ra mắt của Fujifilm chính là các bộ lọc giả lập màu film của hãng này . Fujifilm đã rất khéo léo khi kết hợp cảm biến X-trans Cmos 16.3 Mp và những bộ lọc màu film để tạo ra sự khác biệt của riêng mình , điều mà các hãng khác không có được. Trong menu cài đặt , hãng đã cung cấp tất cả 10 bộ lọc màu film , trong đó phải kể đến như Provia , Velvia , Astia , Pro.Hi... Mỗi màu film phù hợp với từng thiết lập chụp khác nhau trong những điều kiện chụp khác nhau.


Ngoài ra khi nhấn vào nút DRIVE bạn có thêm các lựa chọn cho các chế độ chụp khác nhau như giả lập màu film , Panorama , chụp pha sáng ( chồng 2 tấm ảnh lên nhau ) , chụp liên tiếp 6 FPS/s hoặc 3FPS/s . Về phần này người viết cho rằng Fujifilm X-E1 vẫn đưa ra khá ít tùy chọn về các chế độ chụp cho người dùng phổ thông như chụp đêm , chụp pháo hoa , hoàng hôn ... 


Máy có dải Dynamic Range khá rộng , mang lại dải màu tương phản cao , màu sắc trung thực , hỗ trợ tối đa DR lên đến 400% . Khi đẩy DR lên mức cao nhất , ảnh sẽ cho độ tương phản rất cao và màu sắc có phần nịnh mắt nếu kết hợp với màu film Velvia (sống động) . Tuy nhiên ở các mức Iso khác nhau sẽ cho hiệu chỉnh DR khác nhau . Ở iso 320 trở xuống , máy chỉ cho phép hiệu chỉnh DR ở mức 100% . Từ iso 400 đến 640 , máy cho hiệu chỉnh DR ở mức 200% và iso từ 800 trở lên sẽ được hiệu chỉnh DR ở mức cao nhất là 400%


Ở chế độ lấy nét bằng tay ( MF - Manual Focus ) máy có hỗ trợ Focus Peaking thông báo nét cho người chụp . Ở chế độ này các bạn nên cài đặt đánh dấu lấy nét ở mức cao nhất như trong ảnh, lúc này máy sẽ hiện highlight xung quanh chủ thể khi được focus. Ngoài ra khi lấy nét bằng tay , các bạn nên bấm vào bánh xe cạnh nút ViewMode để zoom lại gần chủ thể giúp việc lấy nét bằng tay chính xác nhất có thể . Để sử dụng chế độ này , bạn đưa máy ảnh về chế độ M , kích hoạt tính năng " Chụp không ô kính " trong menu để máy hoạt động với các lens MF thông qua ngàm chuyền đổi xx-Fx.
  Tổng kết lại , Fujiflm X-E1 hướng đến người dùng phổ thông và người dùng bán chuyên với việc tập trung vào khả năng thao tác linh hoạt của cách bố trí các phím bấm và các tính năng chụp ảnh được tập trung nhiều hơn là quay film. Đây sẽ là lựa chọn hợp lý cho những ai muốn một chiếc máy ảnh nhỏ gọn , các tính năng tập trung vào chất lượng ảnh nhiều hơn và dễ dàng thao tác khi chụp ảnh. Đặc biệt ở thời điểm hiện tại khi mà mức giá của X-E1 đã trở nên cực kỳ dễ chịu thì đây lại trở thành một chiếc máy ảnh đáng gờm trong phân khúc 5-6 triệu đồng ( body only ) , trong tầm giá này X-E1 dễ dàng đánh bại các máy DSLR của Canon , Nikon , Sony... về sự nhỏ gọn , tiện lợi cùng chất lượng ảnh vượt trội và các tính năng mà nó mang lại.
Trên đây là bài đánh giá các tính năng của Fujifilm X-E1 , mời các bạn đón đọc phần tiếp theo đánh giá về chất lượng ảnh chụp của Fujifilm X-E1.

Nhận xét